Chi tiết chương trình
 
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch
 Ngày: 5-10-2023
File đính kèm: , ,
Tài sản trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ trong lĩnh vực du lịch
Tài sản trí tuệ (TSTT) là khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những giá trị sáng tạo của bộ óc con người được hình thành trong quá trình lao động sản xuất và đời sống. Cụ thể, nó bao gồm các sản phẩm của quá trình hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, phần mềm, phần cứng máy tính, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, giống cây trồng….


Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú để thỏa mẵn nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. Nó là ngành kinh tế liên quan đến kinh doanh khách sạn và tất cả các hoạt động gắn liền với sự hài lòng của du khách . Du lịch là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, vùng lãnh thổ và quốc gia, đang phát triển trên quy mô toàn cầu và trở thành đối tượng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.  
Dưới góc độ sở hữu trí tuệ (SHTT), tài nguyên du lịch là nguồn tài sản hết sức quý báu nếu biết đầu tư, khai thác xứng đáng tài sản này sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong bối cảnh cách mạng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới, SHTT ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình phát triển du lịch, là yếu tố góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, đồng thời giúp bảo tồn các tri thức truyền thống.
Một mặt đó chính là một bộ phận của tài nguyên du lịch – một điều kiện không thể thiếu để thu hút khách du lịch, mặt khác đó chính là lợi thế cạnh tranh của địa phương này với địa phương khác, góp phần vào việc tạo ra tính độc đáo, sự duy nhất, giúp phân biệt sản phẩm du lịch của các điểm đến với nhau. Ngược lại, việc sử dụng các nhãn hiệu địa phương vào phát triển du lịch sẽ góp phần hình thành và phát triển hệ thống phân phối đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sử dụng các nhãn hiệu địa phương đó.
Việc phát triển du lịch nhất thiết phải có các điều kiện về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn, mà các TSTT của cộng đồng địa phương đóng góp một phần hoặc toàn bộ vào các tài nguyên đó, là nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch. Ngược lại, du lịch phát triển với sự tham gia của cộng đồng, mang lại những giá trị kinh tế, xã hội cho địa phương, góp phần bảo tồn các di sản tự nhiên, văn hóa, cải thiện cuộc sống cho cộng đồng, những người sở hữu TSTT địa phương.
Tại Việt Nam, một số tour du lịch cộng đồng gắn với từng địa danh đã trở thành “thương hiệu” như: trải nghiệm Mộc Châu; ruộng bậc thang Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì...; trải nghiệm nghề nông Hội An, làng chài Cù Lao Chàm... Trong bối cảnh cạnh tranh, cần tìm ra những điểm đặc trưng, lợi thế sáng tạo từ chính cộng đồng mà đối thủ cạnh tranh khó sao chép, đó là tài nguyên tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người của khu vực địa lý. Nó là TSTT của cộng đồng và là sản phẩm để phát triển kinh tế-xã hội dựa trên sự khác biệt về những dấu hiệu nhận biết của khu vực địa lý trên bản đồ quốc gia và quốc tế. Một số thương hiệu du lịch trong nước có tên gọi hoặc biểu tượng (Quảng Ninh, Hội An, Nha Trang...) nhưng không có tiêu chuẩn và quy tắc đi kèm. Các thương hiệu du lịch hiện nay chủ yếu được bảo hộ trí tuệ cho một biểu tượng chung của khu vực địa lý nhưng chưa được quản lý, khai thác như một dạng tài sản công để phát huy giá trị kinh tế.
Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ áp dụng trong ngành du lịch
Như các ngành nghề kinh doanh khác, các công cụ của hệ thống SHTT được áp dụng một cách đầy đủ cho lĩnh vực du lịch. Việc xác định đối tượng quyền SHTT nào tương ứng với mỗi loại TSTT của từng địa phương để thiết lập cơ chế xác lập, khai thác, thực thi quyền SHTT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xây dựng mô hình quản lý và phát triển. Ví dụ các sản phẩm đặc sắc có thể tương ứng với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, các tri thức truyền thống hay văn hóa có thể được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả, các tác phẩm kiến trúc, công trình văn hóa nghệ thuật, điêu khắc nổi tiếng, các sản phẩm sản xuất tại địa phương cũng cần được bảo vệ dưới dạng bản quyền hoặc kiểu dáng công nghiệp …..
Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng phân biệt sản phẩm dịch vụ của một doanh nghiệp với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp khác. Các dấu hiệu đó có thể là chữ cái, chữ số, hình ảnh có khả năng phân biệt. Chỉ dẫn thương mại này rất hữu hiệu để áp dụng trong lĩnh vực du lịch nhằm mục đích phân biệt dịch vụ do các chủ thể khác nhau cung cấp.
Tại Việt Nam, có thể lấy ví dụ “Bà Nà Hills Mountain resort” là một trong những nhãn hiệu du lịch được đăng ký và sử dụng thành công. Nhãn hiệu này được đăng ký và sở hữu bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (SunGroup) năm 2009.  
Nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó. Để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn; hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu….Ví dụ: nhãn hiệu chứng nhận Festival làng nghề truyền thống Huế; nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” cho các đặc sản ẩm thực Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế; nhãn hiệu chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích” cho làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu tập thể trong trường hợp là sản phẩm của một địa phương sẽ giúp địa phương bảo tồn sản phẩm truyền thống, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp an tâm sản xuất, coi trọng việc nâng cao giá trị sản phẩm từ đó làm nâng cao đời sống cộng đồng. Đồng thời, nhãn hiệu tập thể tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư khi đầu tư phát triển du lịch tại địa phương đó, cho phép địa phương xây dựng các chiến lược quảng bá, truyền thông một cách đồng bộ và chuyên nghiệp. Tiêu biểu là nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế” cho sản phẩm áo dài tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ đặc trưng của Áo dài Huế; xây dựng được hệ thống công cụ phục vụ quản lý, sử dụng, tuyên truyền và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế”, cũng như xây dựng được mô hình tổ chức, quản lý và khai thác nhãn hiệu này trong thực tế.
Chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hoá: từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh để chỉ: một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hoá được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hoá là do nguồn gốc địa lý tạo nên.
Phát triển du lịch và sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có mối liên hệ tương hỗ nhau. Danh tiếng chỉ dẫn địa lý có thể thu hút khách du lịch, mang lại giá trị gia tăng cho dịch vụ du lịch tại địa phương đó. Các chủ thể trong ngành du lịch có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xúc tiến sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thông qua việc cung cấp thông tin, tổ chức các tuyến du lịch đến các cơ sở sản xuất, trưng bày các sản phẩm du lịch ở các điểm dừng chân của du khách. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn lực của địa phương để phát triển ngành du lịch sẽ tạo nên đặc trưng riêng của khu vực đó.
Kết
Hệ thống pháp luật SHTT đã cung cấp các quy định rất hữu hiệu để nâng cao và củng cố sự cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch thông qua các quy trình và công cụ để bảo vệ, quản lý, khai thác và thực thi quyền phát sinh từ tài sản vô hình. Trong thời gian tới định hướng và giải pháp phát triển việc bảo hộ, quản lý TSTT cộng đồng, địa phương gắn với tài nguyên trong phát triển du lịch ở Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh liên kết tập thể, liên kết vùng để xây dựng một số sản phẩm, dịch vụ với nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu liên kết nhằm tạo cho sản phẩm, dịch vụ có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao.
Mặt khác, địa phương cần  đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo hộ và quản lý TSTT của địa phương; thu hút và đa dạng các nguồn lực, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia liên doanh, hợp tác phát triển TSTT cộng đồng, địa phương. Đồng thời, quan tâm xây dựng Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, song song đó tăng cường thanh kiểm tra xử lý kịp thời vi phạm về quản lý và sử dụng TSTT cộng đồng, địa phương.
Thanh Hà


Các tin đã đưa
THÔNG BÁO KÊU GỌI ĐỀU XUẤT NĂM 2025  (10-05-2024)
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)