Cây Mắc ca là cây lấy quả, để có năng suất, sản lượng cao đòi hỏi thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc chặt chẽ và đầu tư lớn. Trong giai đoạn trước, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây mắc ca, tuy nhiên trình độ áp dụng kỹ thuật của người dân trên địa bàn còn hạn chế, nên số diện tích người dân trồng chưa được đầu tư chăm sóc đúng mức còn cao, điều này dẫn đến năng suất quả tươi còn thấp, trung bình chỉ đạt 1,5 tạ/ha, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng của giống Như vậy, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa bên cạnh việc nâng cao năng suất thì cần thiết phải kiểm soát ổn định chất lượng sản phẩm, do vậy cần phải xây dựng và chuyển giao các quy định về kỹ thuật sản xuất cho cán bộ kỹ thuật quản lý địa phương và trực tiếp tập huấn người dân nhằm quản lý tốt công tác sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực tế trong những năm gần đây, quả mắc ca sau khi thu hoạch chủ yếu được tiêu thụ trong nước, có các đơn vị thu mua nhỏ lẻ làm việc trực tiếp với người dân dẫn đến giá bán mắc ca chưa thực sự ổn định, vẫn còn hiện tượng tranh mua, tranh bán. Quan trọng hơn nữa, là mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kiểm soát chất lượng và thương mại sản phẩm còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm mắc ca không đồng đều, chưa phát huy được hết giá trị sản phẩm. Do đó, để hình thành mối liên kết bền vững giữa người sản xuất với thương mại sản phẩm cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công cụ quản lý, kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất và thương mại sản phẩm.
Nắm bắt được các thực tế nêu trên, tỉnh Lai Châu xác định cây mắc ca là cây thế mạnh ở địa phương, phát triển cây mắc ca là nhiệm vụ trọng tâm trong việc khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời theo phân tích của nhóm chuyên gia, sản phẩm nông nghiệp không thể lớn mạnh nếu thiếu đi tác nhân là các doanh nghiệp lớn, sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý địa phương đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Trong thời điểm kinh tế thị trường như hiện nay, sản phẩm của một tỉnh miền núi xa trung tâm muốn phát triển và được nhiều người biết đến thì cần phải xây dựng cho mình những đặc điểm nổi bật, có kế hoạch phương hướng cụ thể phù hợp với xu thế vận động hiện nay. Trong đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất đặt ra cho sản phẩm mắc ca của tỉnh Lai Châu là xác định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường lợi thế canh tranh về sản phẩm chất lượng cao và an toàn thực phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Khi sản phẩm mắc ca của tỉnh Lai Châu được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, với hệ thống kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo về chất lượng từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, tiêu thụ đến việc sử dụng hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm sẽ góp phần đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm được nâng cao, ổn định, giúp cho người sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn, đồng thời khi NHCN đã được thừa nhận và biết đến một cách rộng rãi trên thị trường, nó sẽ là phương tiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống không chỉ cho người sản xuất của địa phương mang địa danh, mà còn cho cả những người kinh doanh khác. Đối với người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mang NHCN, người dùng được dùng sản phẩm đảm bảo xuất xứ nguồn gốc, đúng danh tiếng, chất lượng đặc thù. Đây cũng được xem là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, thúc đẩy người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay. Đây cũng chính là tiền đề tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu.
Để xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Mắc ca Lai Châu cần phải có những giải pháp khắc phục triệt để phát huy giá trị thương hiệu Mắc ca Lai Châu có giá trị kinh tế xứng đáng với chất lượng và giá trị của nó trên thị trường góp phần nâng cao đời sống cho người dân sản xuất mắc ca.
Nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lai Châu” được đăng ký bảo hộ và quản lý sẽ giúp sản phẩm duy trì và phát huy uy tín, danh tiếng trên thị trường, sản phẩm khi lưu thông sẽ được pháp luật bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm và mạo danh thương hiệu, từ đó ổn định thị trường và giá trị của sản phẩm, mang lại hiệu quả cho người dân.
Xuất phát từ những căn cứ thực tiễn nêu trên, việc “Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mắc ca của tỉnh Lai Châu” là rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của việc thực hiện nhiệm vụ này nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và quan trọng hơn là phát triển kinh tế hộ sản xuất mắc ca trên địa bàn để người dân có thu nhập ổn định, dần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.