Chi tiết chương trình
 
Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế vỏ của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai
 Ngày: 29-03-2022
File đính kèm: , ,
Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, cây quế đã khẳng định được sự phù hợp với điều kiện tự nhiên trên đất Bắc Hà và thật sự đã đi vào cuộc sống không thể tách rời với sinh hoạt của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây, đặc biệt là bà con người dân tộc Dao.
Những năm gần đây, diện tích quế Bắc Hà dần được mở rộng, sản lượng và doanh thu từ quế ngày càng tăng cao, cung không đủ cầu. Nhận thấy giá trị cao của cây quế mang lại người dân đã chủ động chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng quế đặc biệt là các xã vùng thấp. Theo Ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, giá vỏ quế tươi tại xã năm 2020 đang được thu mua ở mức từ 27.000 - 32.000 đồng/kg. Riêng quế hữu cơ thì có giá cao hơn, đạt từ 31.000 - 32.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó.

Ngoài ra, việc tiêu thụ các sản phẩm từ quế rất thuận lợi. Người trồng có thể tận thu bán vỏ, lá quế, hạt quế, gỗ quế,... thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định. Vỏ quế là sản phẩm chính, chiếm khoảng trên 70% doanh thu từ quế, tinh dầu chưng cất từ lá chiếm khoảng 20%, gỗ quế chiếm gần 10%. Giá trị kinh tế cây trồng này mang lại ước tính ở cuối chu kỳ kinh doanh (khai thác trắng năm thứ 12 - 15, với thời giá hiện nay) đạt 600 - 700 triệu đồng. Có những rừng quế lâu năm nếu khai thác trắng đạt gần 1 tỷ đồng/ha (Tùy theo độ tuổi cây). Hơn nữa, từ năm thứ 5 trở đi, người dân có thể thu tỉa cây, cành, lá bán dần, mỗi năm thu về 30 - 40 triệu đồng/ha. Tính ra doanh thu trung bình mỗi năm người trồng quế thu được trên 60 - 70 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng cây gỗ khác như mỡ, keo (lợi nhuận trung bình mỗi năm 15 - 20 triệu đồng/ha/năm, tương đương 100 triệu đồng/ha với chu kỳ kinh doanh 5 năm), trong khi đó vốn đầu tư trồng 1 ha quế chỉ tương đương 1 ha keo (mỡ).


Trước đây người dân trồng quế Bắc Hà mới chỉ dừng lại ở việc bán quế thô, giá trị sản phẩm thấp. Hiện nay để nâng cao hiệu quả kinh tế người dân tiến hành sơ chế quế mặt hàng vỏ quế khô. Giá quế khô chưa qua sơ chế người dân bán được giá 60.000 đồng/kg, sau khi sơ chế, giá cả các mặt hàng tăng lên như quế ống điếu bán với giá 100.000 đồng/kg, quế ống sáo bán với giá 100.000 đồng/kg, quế thuốc lá bán với giá 130.000 đồng/kg,... So với bán quế thô, nếu qua sơ chế thì giá trị vỏ quế sẽ tăng từ 1,5 lần đến 2,0 lần tùy thuộc vào các mặt hàng khác nhau. Sản phẩm quế vỏ Bắc Hà sau khi sơ chế chủ yếu xuất khẩu (chiếm gần 80%) phần còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện có 02 Hợp tác xã và 02 cơ sở thu mua quế vỏ sau đó tiến hành sơ chế và bán cho các doanh nghiệp bao gồm: Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Chiến Thắng, Hợp tác xã quế Hữu cơ Nậm Đét (tại xã Nậm Đét) và cơ sở thu mua và sơ chế là cơ sở Nguyễn Văn Hòa và Bùi Văn Kiên (tại xã Bảo Nhai). Các hợp tác xã và cơ sở thu mua sơ chế quế đã liên kết với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, Công ty TNNH Quế hồi Việt Nam, Công ty Thanh Anh để xuất khẩu quế sang các nước Banglades, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapo,…. đặc biệt là thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, … Sản lượng quế vỏ xuất khẩu hàng năm lên đến 2.000 tấn dưới dạng sản phẩm thô sơ chế với giá bán trung bình 100.000 đ/kg mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho huyện Bắc Hà nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Tuy nhiên, sản phẩm quế xuất khẩu chủ yếu là quế qua sơ chế dưới dạng quế điếu, quế sáo, quế thuốc lá, bột quế, quế đã cạo vỏ.

UBND tỉnh, các sở, ban ngành tạo điều kiện để các doanh nghiệp yên tâm nghiên cứu đầu tư tại Lào Cai, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà nghiên cứu xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế tại Lào Cai với công xuất 30 tấn quế tươi/ngày, gồm các sản phẩm chính: Bột quế, quế mảnh, Điếu, Vỏ bào, Sáo...Ngoài ra tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp tại Hà nội nên tìm hiểu nghiên cứu thị trường và các đối tác sản xuất để xuất khẩu các sản phẩm vào thị trường Châu Âu (thị trường khó tính và tiềm năng lớn cho xuất khẩu). Đồng thời các sản phẩm từ Quế (vỏ, tinh dầu…) của huyện Lào Cai được cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quảng bá tại các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong nước (Lào Cai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và nước ngoài như Dubai, Pari, Maxcova...Từng bước gắn kết du lịch với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành hàng quế từng bước thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, hiện UBND tỉnh đã chấp thuận cho 02 Công ty nghiên cứu xây dựng 03 nhà máy chế biến tinh dầu quế, các sản phẩm quế tại huyện Văn Bàn, Bảo Thắng và Bắc Hà.

Như vậy, để đẩy mạnh phát triển ngành hàng quế của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, giữ vững và nâng cao danh tiếng, chất lượng và giá trị sản phẩm quế vỏ, thúc đẩy hiệu quả của chuỗi giá trị quế vỏ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước từ nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm cần có sự bảo hộ của Nhà nước. Do vậy, việc thực hiện Nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế vỏ của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai” là yêu cầu cấp thiết.

Lợi ích kinh tế, khả năng thị trường và cạnh tranh của sản phẩm

Việc xác lập, quản lý và phát triển hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Bắc Hà” sẽ nâng cao danh tiếng và uy tín của sản phẩm quế. Sản phẩm đưa ra thị trường được ổn định về số lượng, chất lượng thông qua một quy trình chuẩn từ chăm sóc, thu hoạch, bảo quản,... và hệ thống truy nguồn gốc nhằm đảm bảo chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ thành công, sản phẩm quế vỏ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó sẽ xây dựng được hệ thống các công cụ, phương tiện phục vụ quản lý chỉ dẫn địa lý và kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Từ đó phát huy và bảo vệ giá trị, danh tiếng, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất quế của huyện Bắc Hà một cách bền vững.

Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế của huyện Bắc Hà còn góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm quế vỏ, giúp ổn định và nâng cao đời sống của bà con dân tộc tham gia sản xuất, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy được giá trị cây trồng bản địa của địa phương. Ngoài ra, một trong những đóng góp rất quan trọng đối với địa phương là nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và chính quyền địa phương về các chính sách, bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ,... góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện Bắc Hà nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Mặt khác, việc triển khai nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ của huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai” là rất phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong đó: Phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lào Cai phải dựa trên nền tảng lợi thế của tỉnh là sản xuất nông, lâm nghiệp; Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế; nghiên cứu, phát triển thị trường là bước đi đầu tiên cho quá trình thực hiện mục tiêu phát triển. Đặc biệt, quan tâm phát triển các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP. Hỗ trợ thúc đẩy các nhóm đối tượng có ít tư liệu sản xuất/quy mô sản xuất nhỏ song cũng có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP.

Ngoài lợi ích về mặt kinh tế, cây quế còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý cây bản địa. Cây quế còn đóng góp vào định canh - định cư, xóa đói giảm nghèo tạo thêm công ăn việc làm cho bà con các dân tộc, góp phần ổn định an ninh quốc phòng.

Nhiệm vụ thực hiện sẽ góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia các nội dung về sở hữu trí tuệ. Cơ quan quản lý nhận biết về quyền lợi và nghĩa vụ, vai trò quan trọng của việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý trong sản xuất và kinh doanh; các thành viên hiểu biết về giá trị nhãn hiệu sở hữu trí tuệ trong việc sử dụng Chỉ dẫn địa lý; Ban quản lý có định hướng hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả kinh tế; cộng đồng được cung cấp các thông tin thực tế về Chỉ dẫn địa lý.

Nhiệm vụ sẽ góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ tới người dân địa phương, giúp cộng đồng hiểu biết cơ bản các quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ khi sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bắc Hà” cho sản phẩm quế vỏ huện Bắc Hà. Đồng thời, nhiệm vụ đã góp phần thúc đẩy tính đoàn kết cộng đồng, phát triển kinh tế tập thể bền vững. Với việc tham gia sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bắc Hà” cho sản phẩm quế vỏ huyện Bắc Hà sẽ góp phần gia tăng tinh thần đoàn kết của cộng đồng, đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất - kinh doanh quế vỏ tại Bắc Hà tỉnh Lào Cai.

Công Thường

Các tin đã đưa
Nhu cầu bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm gạo tám Ấp bẹ Xuân Đài của tỉnh Nam Định  (30-10-2024)
Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mắc ca của tỉnh Lai Châu  (28-10-2024)
Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ  (26-10-2024)
Truyền thông chính sách về sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quảng bá hình ảnh địa phương   (24-10-2024)
Xây dựng CDĐL “Bình Tân – Vĩnh Long” cho sản phẩm khoai lang tím  (23-10-2024)
Một số kinh nghiệm phát triển chỉ dẫn địa lí trên thế giới  (22-10-2024)
Sự cần thiết trong việc xây dựng biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia  (18-10-2024)
Hoạt động quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý của Trung Quốc  (16-10-2024)
Đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu chứng nhận “Kon Hà Nừng - Gia Lai”  (15-10-2024)
Định hướng phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo hộ nhãn hiệu  (13-10-2024)
Phát triển, kiểm soát chất lượng chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên  (12-10-2024)
Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định  (10-10-2024)
Nhu cầu nâng cao nhận thức về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới  (07-10-2024)
Vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc biên soạn, phát hành tài liệu về quản lý tài sản trí tuệ  (05-10-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)