Tuy nhiên, sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được thị trường bởi các nhà nghiên cứu thường tập trung phát triển sản phẩm thay vì lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của thị trường. “Việc thương mại hóa thành công các sáng chế sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám” - Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định.
Ở các nước phát triển, việc nâng cao sức mạnh phát triển của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn đến yếu tố công nghệ, mà nhân tố quyết định của công nghệ lại là yếu tố sáng tạo của con người được biểu hiện qua các sáng chế, sáng kiến, giải pháp công nghệ..., có khả năng ứng dụng cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình từ nghiên cứu khoa học đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực tế đã chứng minh rằng con người không giới hạn ở trình độ học vấn, giới tính,... đã cho ra đời những sáng kiến, sáng chế, giải pháp công nghệ rất bổ ích, góp phần rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng tốt, phát huy được sức sản xuất trong nhân dân, trong đó rất nhiều các sáng kiến, sáng chế, giải pháp công nghệ lại được sản sinh ra trên những hoạt động thực tiễn như các nông dân trong quá trình sản xuất thực tiễn đã có thể tạo ra các sáng kiến, sáng chế nhằm cải thiện tình trạng sản xuất hiện tại... Tuy nhiên, để phát huy các sáng chế, sáng kiến, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, cần vai trò kết nối thông qua các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình phát triển thị trường, các Quỹ đầu tư.
Theo số liệu thống kê mức độ đóng góp của 65 ngành công nghiệp có sử dụng sáng chế, trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sáng chế vào GDP ở Việt Nam là khá khác biệt . Một thực tế là các ngành sử dụng nhiều sáng chế lại chưa phải là ngành có đóng góp nhiều nhất vào GDP ở Việt Nam, ví dụ như ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (0,33%), ngành sản xuất thiết bị y tế (0,05%). Trong số 10 ngành công nghiệp đóng góp nhiều nhất vào GDP thì chỉ có một ngành sử dụng nhiều sáng chế là ngành sản xuất phương tiện vận tải.
Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sáng chế lại là các ngành có đóng góp ít nhất vào GDP của Việt Nam. Kết quả này cho thấy sáng chế chưa thực sự trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Các ngành công nghiệp được coi là có triển vọng và lợi thế sản xuất ở Việt Nam lại là những ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất tính theo đầu người lao động và phần lớn là những ngành công nghiệp sử dụng ít sáng chế và sử dụng nhiều lao động cho thấy năng lực hấp thụ công nghệ mới của Việt Nam thấp. Sự lệ thuộc của doanh nghiệp Việt Nam vào công nghệ của nước ngoài là thực trạng khá phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam.
Thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam là gặp khó khăn trong việc khai thác, thương mại hóa sáng chế do trình độ sáng tạo của sáng chế không cao, không đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp nhận chuyển giao. Việc xử lý xâm phạm không nghiêm cũng là rào cản cho việc thương mại hóa tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp.
Đối với kiểu dáng công nghiệp, việc khai thác, thương mại hóa của các doanh nghiệp cũng gặp phải các rào cản như trình độ sáng tạo chưa cao, hoạt động bảo vệ quyền chưa đủ nghiêm minh.
Đối với nhãn hiệu, việc sử dụng của các doanh nghiệp được thực hiện thuận lợi và không có nhiều lý do cản trở hoạt động này vì hầu như chỉ phụ thuộc vào chính doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ ở Việt Nam đã dần được chú trọng và có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực. Hiện nay, các chính sách và cơ chế cho hoạt động tạo lập và khai thác cơ bản đã được thiết lập, tuy nhiên các quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo, đặc biệt là chưa kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, ví dụ như quy định về định giá tài sản trí tuệ, cơ chế đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ, cơ chế tính điểm thành tích khoa học công nghệ, cơ chế phân chia lợi nhuận thu từ chuyển giao kết quả nghiên cứu chưa đủ để khuyến khích các chủ thể sáng tạo tạo ra, xác lập và khai thác tài sản trí tuệ. Vẫn tồn tại cơ chế xin - cho và mang nặng tính phân phối trong các chương trình hỗ trợ cho các chủ thể sáng tạo, thương mại hóa, cũng như thủ tục phức tạp dẫn tới các chủ thể sáng tạo không thực sự mặn mà với các chương trình đó. Chính vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh các chính sách và cơ chế kịp thời để đáp ứng xu thế phát triển, đặc biệt là cần có áp lực thương mại hóa đối với các cá nhân, tổ chức khoa học công nghệ thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước tài trợ thay vì chỉ chú trọng vào thành tích khoa học qua tính điểm bài báo.
Năng lực đổi mới sáng tạo và nhận thức về sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu phát triển của các chủ thể sáng tạo và thương mại hóa đã được cải thiện nhưng lại không đồng đều giữa các khu vực nhà nước và tư nhân. Đối với chủ thể sáng tạo trong các tổ chức nghiên cứu công lập, thực hiện hoạt động nghiên cứu từ kinh phí nhà nước, hầu như không quan tâm và không chịu nhiều áp lực về khả năng ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu dẫn tới tình trạng các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra không xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Trong khi đó các đơn vị tự chủ kinh phí hoặc các doanh nghiệp vì áp lực kinh tế lại không muốn đầu tư rủi ro vào hoạt động nghiên cứu. Năng lực hấp thụ công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao nên không tạo ra nhiều cải tiến dựa trên các công nghệ nhập khẩu. Để cải thiện tình trạng này, cần nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho các chủ thể sáng tạo đủ để hấp thụ công nghệ tiên tiến và tạo ra những công nghệ mới. Đồng thời cần tạo lập nền tảng văn hóa về sở hữu trí tuệ cho tất cả các chủ thể có liên quan từ nhà quản lý, chủ thể tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ cũng như công chúng để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.
Cơ chế kết nối giữa tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp và Nhà nước đã dần hình thành nhưng chưa thực sự có hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu lại không sát với nhu cầu xã hội, vì vậy con đường tìm đến doanh nghiệp để thương mại hóa ngày càng xa. Để mối liên kết giữa tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp được vận hành hiệu quả cần có sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước phải là “bà đỡ” cho các kết quả nghiên cứu đặc thù, đồng thời tạo lập những cơ chế, chính sách thiết thực để thúc đẩy hiệu quả mối liên kết, hợp tác trong tam giác phát triển giữa ba nhà - nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp để họ xích lại gần nhau hơn vì những mục tiêu, quyền lợi của mỗi bên và cho cả sự phát triển chung của nền khoa học và công nghệ của đất nước.
Một yếu tố tác động mạnh đến hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ đó là các dịch vụ hỗ trợ, bổ trợ. Từ khâu tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế xã hội đến trực tiếp tham gia vào các hoạt động phân tích đánh giá, tư vấn, môi giới trung gian cho hoạt động tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ đều cần có kinh phí và nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy rất cần có một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu đủ năng lực để thực hiện hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ.
Công Thường
|