Sở hữu trí tuệ nói chung và tài sản trí tuệ là một trụ cột quan trọng trong các cam kết của hội nhập. Hoạt động quản lý tài sản trí tuệ ở Việt Nam cũng như ở Tây Nguyên trong thời gian vừa qua có một số kết quả ghi nhận, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều điều cần nghiên cứu để có giải pháp thúc đẩy tốt nhất. Vì quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả sẽ kích thích sự đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên nền tảng trí tuệ một cách vững bền.
Nhìn một cách tổng thể, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ nói chung tài sản trí tuệ nói riêng ở Tây Nguyên đã có những kết quả nghi nhận và bên cạnh đó, cũng còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều yếu tố khác nhau, cả chủ quan, khách quan. Để thực hiện tốt việc quản lý nhà nước và phát triển tài sản trí tuệ các tỉnh vùng Tây Nguyên, cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp để thu hút sự quan tâm, tham gia của các chủ thể. Chúng ta có thể cân nhắc các nhóm giải pháp sau đây.
Thứ nhất, về phía các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tại điạ phương. Tăng cường hơn nữa tuyên truyền về tác dụng và hiệu quả của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như vai trò của tài sản trí tuệ đối với cả doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp trong phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Nâng cao trình độ nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ thông qua đổi mới và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp và chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại Sở Khoa học công nghệ và các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tổ chức định kỳ chương trình bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ đầu mối theo hướng chuyên sâu từng bước. Chú trọng công tác đào tạo kiến thức chuyên môn về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt chú trọng cải thiện khả năng tự quyết của các cơ quan thực thi hành chính, giảm thiểu sự lệ thuộc vào ý kiến chuyên môn về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ cơ quan quản lý chuyên ngành thông qua hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ các cơ quan thực thi quyền. Tăng cường năng lực của tòa án trong việc xét xử, giải quyết các tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (tăng cường đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các thẩm phán, xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ).
Việc áp dụng mức xử phạt hành chính phải đủ mạnh để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa hành vi tái phạm. Đối với biện pháp dân sự, cần đảm bảo nguyên tắc bồi thường thỏa đáng thiệt hại cho chủ thể quyền; bổ sung các quy định pháp luật nhằm hướng dẫn việc định giá tài sản trí tuệ, cách xác định mức bồi thường thiệt hại trong các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp làm cơ cở pháp lý cho việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền;
Để phát triển bền vững, nhà nước cần tạo và nhân rộng mô hình vườn ươm công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực Tây Nguyên để giúp các doanh nghiệp, người dân có một không gian khởi nghiệp sáng tạo và sẽ là tiền đề để tạo ra các tài sản trí tuệ trên cơ sở khai thác các giá trị, tiềm năng của địa phương trong hội nhập và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, qua cách thức như vậy, sẽ tạo sự cân bằng giữa các địa phương, giữa các đối tượng quyền tài sản trí tuệ, tránh hiện tượng thiên lệch trong phát triển như hiện nay giữa các tỉnh và giữa các đối tượng của tài sản trí tuệ.
Cần ban hành và hoàn thiện chương trình chiến lược phát triển tài sản trí tuệ địa phương một cách bài bản, có nghiên cứu một cách khoa học và phù hợp, khả thi. Cần xem xét các thể mạnh của địa phương một cách tổng thể và cụ thể từng địa phương để đưa ra chương trình, chiến lược của từng tỉnh để đảm bảo khai thác tối đa các thể mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương các tỉnh Tây Nguyên. Ví dụ, cần có chương trình chú trọng đến bảo tồn và phát triển các tài sản trí tuệ từ dạng các bài thuốc cổ truyền thành chỉ dẫn địa lý, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu... hay các nhãn hiệu tập thể, tri thức truyền thống đối với văn hóa bản địa, cồng chiêng, các sản vật như cà phê, hồ tiêu... các giống cây trồng mới qua việc bảo tồn và nghiên cứu các nguồn gien động thực vật…
Thứ hai, đối với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội
Cần tạo ra các cơ chế để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên. Ưu tiên và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đặc biệt vào các lĩnh vực khai thác dựa trên sự phát triển bền vững và gắn với tài sản trí tuệ địa phương. Chính sách thu hút đầu tư trên cần tổng thể với các vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thủ tục hành chính thông thoáng, ưu đãi vốn, đất đai,..cho doanh nghiệp trước tiên tại bản địa, và sau đó là lựa chọn các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư tạo cú hích cho phát triển các ngành nghề thế mạnh của Tây Nguyên.
Doanh nghiệp cần có đồng tư bài bản và chú trọng đến việc nghiên cứu triển khai, phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với các sản phẩm uy tín, tin cậy. Trong quá trình xây dựng và phát triển cần gắn với khai thác tối đa các giá trị của địa phương về tri thức truyền thống, nguồn nguyên liệu đặc thù, giá trị văn hóa truyền thống, các đặc sản bản địa... Định hướng và chủ động trong việc khai thác các phương thức khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển doanh nghiệp để đảm bảo sự phát triển nhanh đồng thời bền vững dài lâu.
Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng tay nghề, thông tin để chủ động nắm bắt các cơ hội trong việc tận dụng các chính sách của nhà nước, của địa phương phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm gắn với tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và nâng cao ý thức bảo hộ các tài sản trí tuệ trong quá trình sản xuất kinh doanh một cách chủ động, sáng tạo. Bên cạnh đó, cần nhận thức gắn sản phẩm với đầu ra của sản xuất, nên khi lập kế hoạch xây dựng khởi nghiệp cần chú trọng đến khâu đầu ra sản phẩm bền vững ngoài các khâu quan trọng khác của quá trình sản xuất.
Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội sản xuất cần phát huy tinh thần chủ động và chú trọng định hướng thị trường, tạo thành các tổ chuyên môn kết nối các cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm gắn với tài sản trí tuệ với đầu ra của sản phẩm. Cần nâng cao nhận thức cho các hội viên trong việc ý thức về hợp tác phát triển theo mô hình chuỗi giá trị gắn với thị trường. Các tỉnh cần có chính sách khuyến khích hình thành các tổ hội theo lĩnh vực sản phẩm, ngành nghề để khai thác tối đa sức mạnh và trí tuệ cộng đồng trong sản xuất và phát triển sản phẩm gắn với tài sản trí tuệ. Triển khai nhân rộng các mô hình hiệp hội nghề nghiệp sản phẩm như hồ tiêu Chư Sê, Cà phê Buôn Ma Thuột... Ngoài ra, đối với các tổ chức xã hội, hội quần chúng không chính thức cần tham gia tích cực vào việc tuyên truyền về các định hướng, chính sách phát triển tài sản trí tuệ, gắn sản xuất sản phẩm địa phương, hỗ trợ các thành viên và gia đình họ có nhận thức thức thời và nắm bắt thông tin, cơ hội và khời nghiệp sáng tạo khi phù hợp giúp phát triển kinh tế gia đình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới hiện nay, tài sản trí tuệ đã và đang trở thành một tài sản hiện hữu và có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của bất cứ doanh nghiệp, quốc gia nào muốn tồn tại, vươn lên phát triển nhanh, bền vững. Một nhân tố quan trọng để định hướng chiến lược, tạo ra một cơ chế thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ đem lại thành công cho doanh nghiệp và người dân đó chính là hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng.
Qua nghiên cứu phân tích thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về tài sản trí tuệ cá tỉnh Tây Nguyên cho thấy trong những năm vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiều tín hiệu tích cực đã thể hiện, nhận thức và hành động của các địa phương đã cụ thể, thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã được triển khai cơ bản. Song bên cạnh đó, so sánh với tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên với nhiều giá trị bản địa đặc thù gắn với tri thức truyền thống đa dạng và nhiều sức hấp dẫn thì hoạt động này còn chưa thực sự có hiệu quả tương xứng.
Các giải pháp được đưa ra trên cơ sở xem xét các khía cạnh khác nhau trong cả hai phía chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Hy vọng, với việc thực hiện tổng thể các phương án khác nhau cho cả hai phía chủ thể trong hoạt động quản lý tài sản trí tuệ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt, hiệu quả, bền vững sự phát triển tài sản trí tuệ địa vùng Tây Nguyên. Từ đó, là tiền đề đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững và xứng tầm với những tiềm năng của vùng đất và người gắn với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây.
Phương Trà
|