Vai trò của sở hữu trí tuệ trong các trường đại học
Tài sản trí tuệ và nghiên cứu khoa học
Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các trường đại học – viện nghiên cứu sẽ hình thành một số sản phẩm nghiên cứu nhất định. Một vài trong số sản phẩm này có khả năng được cấp bằng sáng chế, nhưng nhiều trong số đó đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển hơn nữa trước khi được thương mại hóa. Bằng cách cấp cho các trường đại học và viện nghiên cứu quyền bảo hộ SHTT và cho phép họ được khai thác thương mại hóa, các chính phủ trên khắp thế giới đang cố gắng đẩy nhanh việc chuyển đổi các tài sản trí tuệ này thành các quy trình kỹ thuật sản xuất và sản phẩm công nghiệp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các trường đại học – viện nghiên cứu với các doanh nghiệp
Tài sản trí tuệ và giảng dạy
Ngoài ra, các hoạt động giảng dạy của trường đại học – viện nghiên cứu cũng sẽ tạo ra TSTT, chẳng hạn như tài liệu giảng dạy, luận văn, phần mềm hoặc thiết kế bố trí. Internet và các công cụ hiện đại đã không chỉ thúc đẩy việc truy cập nhiều hơn vào các tài liệu học thuật, mà còn tạo ra sự xung đột lớn hơn về quyền sở hữu trí tuệ của các trường đại học – viện nghiên cứu. Vì vậy, các trường đại học – viện nghiên cứu cần có chính sách SHTT phù hợp để đối phó với khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tài liệu giảng dạy, tiếp cận thông tin học thuật và sử dụng tài liệu của các bên thứ ba.
Theo truyền thống, các trường đại học thường phục xã hội bằng cách cung cấp sinh viên tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ…. Với sứ mệnh đó, các trường đại học thường công bố các kết quả nghiên cứu của họ, làm cho chúng trở nên miễn phí. Ngày nay, điều này có thể được xem là không tương thích với những ngành công nghiệp đòi hỏi phải giữ bí mật thông tin và cần được bảo vệ bởi các quyền SHTT, chẳng hạn như các sáng chế. Xu thế toàn cầu hóa nhanh chóng đòi hỏi các trường đại học và viện nghiên cứu phải mở cửa cho sự hợp tác quốc tế. Lúc này, họ phải đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu phải được bảo vệ và quản lý hiệu quả, và chỉ được thực hiện bằng cách sử dụng hệ thống chính sách quản trị TSTT.
Kinh nghiệm xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ của một số trường đại học nước ngoài
Hiện nay, một số trường đại học lớn của Mỹ đã và đang đi đầu trong việc đào tạo nhân lực SHTT. Hàng năm, có khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học luật của Mỹ thì có khoảng 15% sinh viên đã được đào tạo chuyên sâu về SHTT. Các khóa học chuyên sâu về SHTT được thiết kế khá linh hoạt cho các đối tượng sinh viên khác nhau, có thể là bắt buộc nhưng cũng có thể là lựa chọn. Trong số năm trường hàng đầu Mỹ về quản lý và khai thác thương mại các quyền SHTT, nhất là khai thác các độc quyền sáng chế, đứng đầu là Đại học Stanford và Massachussetts Institute of Technology (gọi tắt là MIT). Sáng chế, thương hiệu, phần mềm tạo ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ có sử dụng đáng kể các tài nguyên của MIT đều thuộc sở hữu của MIT. Quyền tác giả đối với giáo trình, nếu được MIT cung cấp chi phí và thuộc chương trình do MIT tài trợ, đều thuộc về MIT. Ngược lại, nếu không có thỏa thuận riêng, tác giả các giáo trình là người có bản quyền đối với các tác phẩm này. Cũng như vậy, nếu được tài trợ toàn phần hoặc phần đáng kể bởi MIT, các luận văn, luận án đều thuộc bản quyền của MIT. Nếu không có tài trợ, bản quyền thuộc về người học, tuy nhiên MIT đương nhiên có quyền sử dụng miễn phí các sản phẩm này, có quyền in ấn các sản phẩm này.
Tại Trung Quốc, từ hơn 10 năm nay, Đại học Thanh Hoa xây dựng một Quy chế quản lý SHTT chung áp dụng cho toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên, nghiên cứu sinh, sinh viên và thỉnh giảng. Quy chế này bao gồm các quy định quản lý sáng chế, bí mật thương mại, bí quyết, thương hiệu, quyền tác giả và các quyền kề cận. Quy chế này định nghĩa mọi đối tượng SHTT nếu được tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, với sự tài trợ của nhà trường, nếu có dấu hiệu tạo ra một sáng chế thì người nghiên cứu phải báo cáo cho trường thành viên hoặc khoa thuộc Đại học Thanh Hoa. Cơ quan này sẽ xem xét và quyết định, hoặc sẽ tiến hành các biện pháp bảo mật, hoặc tiến hành cấm công bố, hoặc sẽ nộp đơn yêu cầu cấp sáng chế tùy theo từng đối tượng của phát minh. Kể cả khi nhân viên của Thanh Hoa tìm ra sáng chế ở bất kỳ đại học trong và ngoài nước, sáng chế đó vẫn thuộc Thanh Hoa, nếu không có thỏa thuận khác. Nhờ chính sách này, Đại học Thanh Hoa đã gặt hái được nhiều thành công về quản lý SHTT. Trong giai đoạn từ 1985-2010, Đại học Thanh Hoa đã được cấp 11.000 độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, trong đó có 9.684 sáng chế, đăng ký 828 phần mềm máy tính, trong số đó 400 sáng chế đã được cấp bằng độc quyền ở nước ngoài.. Trong các năm 2009-2010, Đại học Thanh Hoa cũng đã ký được 70 hợp đồng chuyển nhượng li-xăng sử dụng các sáng chế của nhà trường. Tại Pháp, các trường có đào tạo chuyên ngành liên quan đến SHTT chủ yếu là các trường có đào tạo ngành Luật (có khoảng 38 trường) nhưng tiêu biểu có các trường sau: Uiversité Toulouse I Capitole đào tạo thạc sỹ với tên ngành: Droit de l’immatériel et des technologies de l’information (Luật về vật liệu và các công nghệ thông tin); Université de Strasbourg có nhóm ngành Droit, économie, gestion et sciences politiques et sociales (luật, kinh tế, quản lý và các khoa học chính trị và xã hội).
Tại Canada, các trường đại học đã tiến hành xác định rõ mục tiêu để giúp cho việc liên kết giữa SHTT đối với các chương trình đại học và sau đại học của các ngành khoa học kỹ thuật. Đối với các trường đại học có khối ngành kinh tế thì sẽ có một nội dung chính thức đưa ra dưới một số dạng hướng dẫn về SHTT thuộc khóa học tổng quan về kinh doanh.
Tại Australia, tất cả các trường đại học thuộc Top Eight (đại học Adelaide, Đại học Quốc gia Australia, đại học Melbourne, đại học New South Wales, Đại học Queensland, Đại học Sydney, Đại học Western Australia) đều đưa SHTT vào giảng dạy trong chương trình đào tạo đại học và cao học của mình, ví dụ như các môn sau: Luật Quyền tác giả và quyền liên quan, Quản trị thương mại hóa tài sản trí tuệ, Luật SHTT quốc tế, Luật Sáng chế, Luật Nhãn hiệu,...
Các nước trong khu vực ASEAN cũng rất coi trọng việc đào tạo nhân lực SHTT, với các hình thức đào tạo chuyên ngành SHTT, môn học độc lập về SHTT trong các chuyên ngành khác hoặc các môn học có lồng ghép về SHTT. Singapore, Malaysia, Thái Lan,... là các quốc gia có các trường đại học rất chú trọng đến vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực SHTT.
Thanh Hà
|