Trên thế giới, để theo kịp với sự phát triển và gia tăng không ngừng của các tài sản trí tuệ cũng như giải quyết tranh chấp SHTT, nhiều quốc gia đã cải cách tư pháp để thích nghi với thực tiễn thực thi các quyền SHTT để bảo đảm quyền và lợi ích cho các chủ thể quyền một cách hiệu quả nhất. Qua tham khảo kinh nghiệm bảo vệ quyền SHTT của một số quốc gia trong khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… có thể nhận thấy các quốc gia này rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ Thẩm phán xét xử là những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên sâu về SHTT để bảo đảm được tính chủ động, chính xác trong xét xử các vụ án về SHTT - vốn là những vụ án có tính đặc thù và phức tạp. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc đã thành lập riêng hệ thống Toà án chuyên trách để xét xử các vụ án về SHTT, trong đó, các Thẩm phán đều là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn về bảo vệ quyền SHTT.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, Toà án có thể xét xử nhiều loại vụ án khác nhau về SHTT như: Toà dân sự, Toà kinh tế xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến các tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT; Toà hình sự xét xử các vụ án mà hành vi xâm phạm quyền SHTT có yếu tố cấu thành tội phạm; Toà hành chính có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về các quyết định/hành vi hành chính có liên quan đến SHTT như: Quyết định chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối tượng SHCN, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT… Bên cạnh Toà án là cơ quan trực tiếp xét xử, các cơ quan Kiểm sát, Thi hành án, Giám định tư pháp, Điều tra cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xét xử cũng như thi hành bản án của Toà án nói chung, án SHTT nói riêng.
Về nhân sự, đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống cơ quan tư pháp ở Việt Nam hiện nay đang không ngừng được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, vì SHTT được coi là một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nên phần lớn các cán bộ tư pháp, đặc biệt là cán bộ trực tiếp tham gia xét xử như Thẩm phán, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên… đều chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực này. Do thiếu kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm xét xử án về SHTT, nên khi phải xét xử loại vụ án này, Thẩm phán, Kiểm sát viên cũng như các cán bộ của cơ quan tư pháp thường khá lúng túng, mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu, văn bản về SHTT, thậm chí, thường phải yêu cầu các cơ quan chuyên môn như Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả hỗ trợ, cung cấp ý kiến tư vấn… dẫn đến thiếu chủ động trong việc xét xử và kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Sự hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm xét xử về SHTT của đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động xét xử, dẫn đến tâm lý e ngại, dè dặt của chủ thể quyền SHTT khi muốn việc lựa chọn Toà án là cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
Yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ quyền SHTT cho đội ngũ cán bộ tư pháp là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả xét xử án SHTT ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc bảo vệ quyền SHTT cũng như bảo đảm thi hành các cam kết về hệ thống thực thi quyền SHTT trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển, vận động không ngừng của các quan hệ liên quan đến quyền SHTT. Mặc dù trong điều kiện hiện nay, Việt Nam chưa thể thành lập ngay hệ thống Toà án chuyên trách về SHTT, nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm xét xử án SHTT cho đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên và cán bộ thuộc hệ thống cơ quan tư pháp là hết sức cần thiết để bảo đảm chất lượng của hoạt động xét xử cũng như tính chính xác, đúng đắn trong các phán quyết của Toà án. Đây cũng sẽ là đội ngũ nòng cốt khi mô hình xét xử chuyên trách về sở hữu trí tuệ ra đời trong tương lai.
Việc xây dựng và thực hiện Dự án “Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về SHTT cho cán bộ của hệ thống tư pháp” do Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì thực hiện sẽ xác định đúng thực trạng năng lực xét xử án về SHTT và thực trạng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về nghiên cứu, xét xử án về SHTT cho cán bộ của hệ thống tư pháp ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, bảo đảm hoàn thành việc thiết kế chương trình đào tạo, hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo và tài liệu giảng dạy; tổ chức thành công các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiên cứu xét xử vụ án SHTT từ cơ bản đến nâng cao nâng cao cho cán bộ của hệ thống tư pháp.
Dự án được kì vọng sẽ góp phần xây dựng, củng cố, phát triển đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên có kiến thức và kỹ năng về xét xử SHTT để đáp ứng yêu cầu xét xử trong tình hình mới khi pháp luật SHTT quy định chuyển dịch thẩm quyền xử lý tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT từ cơ quan thực thi hành chính sang cơ quan Toà án, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực nếu chúng ta xây dựng Toà án chuyên trách về SHTT trong tương lai.
Việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ quan xét xử góp phần nâng cao niềm tin của xã hội đối với những người “cầm cân nảy mực”, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Toà án trong việc bảo vệ quyền SHTT, đồng thời chia sẻ gánh nặng giải quyết các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT với các cơ quan thực thi hành chính. Bên cạnh đó, qua việc nâng cao chất lượng xét xử án về SHTT sẽ góp phần lan toả ý thức tôn trọng quyền SHTT, hạn chế tình trạng xâm phạm quyền SHTT trên thực tế.
Thanh Hà
|