Bên cạnh đó, cần lựa chọn một số trang trại trồng và thâm canh cây cam sành điển hình (có năng suất, chất lượng, giá trị lợi nhuận cao áp dụng sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP), xây dựng thành mô hình điểm tổ chức cho hộ nông dân đến học tập, thực hành và kết hợp phát triển du lịch sinh thái nhà vườn, tạo thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch sinh thái
Xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà
Chính quyền Tỉnh cần thúc đẩy phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nhằm tuyên truyền sâu rộng những lợi ích mà du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường mang lại cho cộng đồng dân cư địa phương. Việc phát triển loại hình du lịch sinh thái sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển, hạn chế sự ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Liên kết chặt chẽ với các đơn vị đào tạo nghề du lịch đặt hàng đào tạo theo kết quả khảo sát và thống kê thực tế nguồn nhân lực phục vụ du lịch sinh thái, cần sớm đưa các môn học, các nghiệp vụ du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo của các bậc học nhằm nâng cao nhận thức làm du lịch phải gắn liền với môi trường, du lịch và môi trường không thể tách rời trong việc phát triển du lịch bền vững. Thường xuyên phối hợp tổ chức các khóa kiến tập, thực tập cho sinh viên tiếp cận với các mô hình du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của nguồn nhân lực du lịch từ khi còn ngồi ghế nhà trường.
Các doanh nghiệp du lịch liên kết với các hộ dân tham gia hoạt động du lịch sinh thái trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ du lịch, đặc biệt là phương tiện bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh công cộng. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hình thức du lịch sinh thái mới như: du lịch trồng cây, du lịch xanh – bảo vệ cuộc sống, du lịch chung tay vì cộng đồng, du lịch cây trái vườn xanh …
Tham gia các sự kiện để giới thiệu, quảng bá thương hiệu cam sành Hàm Yên tại tỉnh như hội chợ, lễ hội, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương; Tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng với các tư thương trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả; Tham gia hội chợ, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao khả năng nhận biết của người tiêu dùng về sản phẩm tại các tỉnh phía Nam.
Chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngay tại các chợ đầu mối nông sản; Tham gia các hội chợ về cây ăn quả do Bộ NN & PTNT hoặc tại các tỉnh tổ chức; Thâm nhập vào hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành phố lớn để giới thiệu, quảng bá thương hiệu cam sành Hàm Yên và giới thiệu, quảng bá thương hiệu ra nước ngoài bằng nhiều thứ tiếng qua mạng Internet.
Thiết lập mô hình hợp tác dọc để tăng cường liên kết và hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi với sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan. Các hộ nông dân tạo sự liên kết ngang bằng cách tập hợp thành các Hợp tác xã, Hiệp hội, cơ chế vận hành mô hình dựa trên các hình thức hợp đồng kinh tế giữa các tác nhân trong chuỗi và cơ quan hữu quan.
Tiêu thụ và phân phối
Doanh nghiệp kinh doanh cam Hàm Yên cần tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cam vào thị trường phía Nam, do có cam thu hoạch trái vụ với miền Bắc, cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân với giá cả và sản lượng ổn định, đồng thời đa dạng hóa các kênh phân phối và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các nông hộ phải nắm vững kỹ thuật sản xuất và quy trình sản xuất cây cam sành để có biện pháp chăm sóc tốt nhất, tiết kiệm công và chi phí sản xuất; quan sát thị trường tránh tình trạng sản xuất ồ ạt làm cung vượt cầu giảm lợi nhuận. Cập nhật thông tin và giá cả thị trường để có thể sản xuất hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, các hộ trồng cam cần kết hợp chặt chẽ với các trung tâm khuyến nông để có thể tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, lựa chọn giống cây trồng có chất lượng cao, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tăng chất lượng thương phẩm. Đối với những vùng quy hoạch trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, yêu cầu có sự tăng cường giám sát và phối hợp giữa các hộ nông dân và các tổ chức khoa học kỹ thuật, để người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất tiêu chuẩn.
Công Thường