Trong đó, cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) ở mỗi nước thường đóng vai trò đầu mối trong việc thiết kế, xây dựng chương trình, phối hợp với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tổ chức các khóa đào tạo với nội dung phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau.Do vai trò quan trọng của hoạt động quản lý TSTT đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiện nay trên thế giới đã có khá nhiều tài liệu bồi dưỡng cơ bản về quản trị TSTT với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng.
Sau đây là kinh nghiệm của một số nước thành viên các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia trong những năm gần đây, đặc biệt là những quốc gia ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội - văn hóa gần gũi với Việt Nam và có nhiều hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, tập huấn về SHTT, tập trung vào ba quốc gia điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
.Ở Nhật Bản, cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) hàng năm đều tổ chức các khóa đào tạo về SHTT, bao gồm cả các khóa dành cho học viên đến từ các nước đang phát triển. Chẳng hạn, trong 3 năm gần đây (2019-2021), JPO phối hợp với Trung tâm sở hữu công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương (APIC) và Viện thúc đẩy sáng chế và đổi mới sáng tạo Nhật Bản đã tổ chức khóa đào tạo về hợp tác quản lý, khai thác tài sản SHTT giữa giới học thuật với khối doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung xây dựng chính sách và hệ thống SHTT, quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học, thực hiện các dự án nghiên cứu chung giữa trường đại học với doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ từ trường đại học cho doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu giữa giới doanh nghiệp, học thuật và nhà nước, thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp trong các trường đại học… JPO cũng đã biên soạn nhiều cuốn giáo trình, tài liệu giảng dạy cập nhật cho các khóa học, đáng chú ý là ba cuốn Quản lý tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (2016), Quản lý tài sản trí tuệ trong các trường đại học Nhật Bản (2016) , và Thực thi quyền SHTT ở Nhật Bản (2018) .
Ở Hàn Quốc, Viện đào tạo SHTT quốc tế thuộc Cơ quan SHTT Hàn Quốc đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về SHTT cho các cán bộ, công chức nhà nước, với mục tiêu nâng cao nhận thức về SHTT của các cán bộ, công chức trong các bộ, ngành hữu quan, gồm 3 mô đun, mỗi mô đun từ 2-3 ngày, tập trung vào các nội dung: Tổng quan về SHTT, Chiến lược quản lý tài sản trí tuệ, và Quản lý sáng chế thuộc sở hữu nhà nước .
Ở Singapore, Viện đào tạo SHTT quốc tế (IPOS International) trực thuộc Cơ quan SHTT Singapore tổ chức nhiều khóa đào tạo về SHTT cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước, tập trung vào các nội dung thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng ví dụ Khóa quản lý tài sản trí tuệ cho các cơ quan nhà nước gồm các chuyên đề: tổng quan về tài sản trí tuệ, nhận diện tài sản trí tuệ trong các cơ quan nhà nước, tầm quan trọng của quản lý tài sản trí tuệ trong các cơ quan nhà nước, chính sách và pháp luật SHTT, tạo lập tài sản trí tuệ trong cơ quan nhà nước và sử dụng tài sản trí tuệ của bên thứ ba… , Khóa đào tạo cho các doanh nghiệp có nội dung cập nhật với xu hướng phát triển mới của nền kinh tế toàn cầu như bảo vệ thương hiệu trong nền kinh tế số toàn cầu, quản lý tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, định giá tài sản trí tuệ, giải mã quy trình đăng ký sáng chế… . Đặc biệt, Khóa đào tạo nâng cao về quản lý tài sản trí tuệ do IPOS International phối hợp với WIPO tổ chức năm 2022 dành cho các cán bộ nhà nước, chủ doanh nghiệp tập trung vào các nội dung mới như bảo vệ tài sản vô hình trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chiến lược quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ, vai trò của WIPO trong hệ thống SHTT quốc tế, thực trạng hệ thống SHTT các nước ASEAN, xây dựng chiến lược SHTT cho tương lai, đàm phán về SHTT, định giá tài sản trí tuệ và tài trợ vốn dựa trên SHTT, các vấn đề về thuế và SHTT . Các khóa đào tạo của IPOS International được cung cấp kèm theo bộ công cụ hướng dẫn (toolkit) và tài liệu tập huấn về quản lý tài sản trí tuệ.
Để bắt kịp xu thế chung ở các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cũng cần nhanh chóng triển khai những chương trình đào tạo tương tự kết hợp với biên soạn tài liệu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức một cách có hệ thống và chuyên sâu cho các nhóm chủ thể có liên quan…Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước nói trên trong việc biên soạn tài liệu, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, đặc biệt là về bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ ở trong nước và nước ngoài.
Thanh Hà
|