Trước năm 2019, các FTA mà Việt Nam đã ký kết như FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN-EAEU), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, v.v., chủ yếu không vượt quá các chuẩn mực bảo hộ quy định trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT (TRIPS) của WTO hoặc đã phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời điểm này, các FTA mà Việt Nam tham gia đã có các cam kết SHTT ở mức độ cao và toàn diện hơn, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó ba đối tượng quyền sở hữu công nghiệp có nhiều nghĩa vụ ở mức cao hơn hoặc hoàn toàn mới là sáng chế, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Ví dụ, theo cam kết tại Hiệp định CPTPP, Việt Nam “không được giới hạn bảo hộ nhãn hiệu ở dạng dấu hiệu nhìn thấy được, mà phải bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh hoặc chứa âm thanh”. Hiệp định còn quy định về nhãn hiệu nổi tiếng, về các thủ tục liên quan đến đăng ký, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu, về hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, về thực thi quyền đối với nhãn hiệu…

Theo Hiệp định EVFTA, bên cạnh các cam kết chung về điều kiện, thủ tục bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Việt Nam phải bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của châu Âu với mức độ bảo hộ cao (như mức độ bảo hộ dành cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh), trong khi thông tin về việc này chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và trên thực tế đã xảy ra những xung đột với các hệ thống bảo hộ của quốc gia khác. Cùng với đó, việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và giải quyết mối xung đột giữa các đối tượng này trong các Hiệp định với các cơ chế khác nhau cũng là những nội dung quan trọng trong các FTA, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và RCEP.
Ngoài ra, việc đền bù cho chủ sở hữu sáng chế dược phẩm vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm đó, bảo hộ sáng chế liên quan đến nguồn gen và tri thức truyền thống,… cũng là những vấn đề mới trong bảo hộ sáng chế theo các FTA mà Việt Nam cần lưu tâm.
Để thực hiện các nghĩa vụ mới này, Việt Nam đã và đang sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản pháp luật liên quan. Nhằm thực hiện tốt các cam kết về SHTT trong các FTA thế hệ mới, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước, một việc rất quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp và các chủ thể khác có liên quan cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các cam kết nói trên. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về nội dung của các cam kết trong các FTA đến các chủ thể liên quan cũng như đến công chúng là rất cần thiết để nâng cao nhận thức, từ đó có thể tận dụng tối đa lợi ích mà các FTA mang lại. Qua rà soát các cam kết trong các FTA, có thể thấy ba nhóm nội dung cần được ưu tiên phổ biến, hướng dẫn cụ thể cho các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội) là các cam kết về sáng chế, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong các FTA.
Để phát huy được vai trò chủ đạo được đề cập trong các Chiến lược, chính sách phát triển kinh tế xã hội nói chung và trong lĩnh vực SHTT nói riêng, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội cũng như doanh nghiệp cần phải nắm vững các kiến thức về bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ, biết xác định được các tài sản trí tuệ mà mình có hoặc có thể sẽ tạo ra hoặc cần phải có để phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Tất cả các nội dung này đều thuộc về kiến thức, kỹ năng quản lý SHTT. Trong các đối tượng của quyền SHTT thì nhãn hiệu là đối tượng mà hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm để sử dụng cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Đối với các sản phẩm đặc thù của các vùng miền thì yếu tố địa danh được sử dụng để gắn lên sản phẩm đặc thù đó cũng rất được các chủ thể có liên quan quan tâm, từ cơ quan quản lý địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề... Vì vậy, các yếu tố địa danh này cũng cần được đánh giá và khai thác một cách hiệu quả thông qua các hình thức bảo hộ phù hợp. Không ít các sản phẩm có uy tín của Việt Nam bị mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài do chậm trễ hoặc lơ là trong việc bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và dành nhiều sự đầu tư hơn nữa đối với việc bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để tránh cho doanh nghiệp mình rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền SHTT và có thể bị thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam (tài chính, nhận thức, đào tạo…) về việc bảo hộ quyền SHTT còn nhiều hạn chế. Số liệu chỉ ra rằng có 80% doanh nghiệp dành chưa đến 5% đầu tư cho phát triển thương hiệu. Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, Viglacera… có bộ phận đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế. Còn lại rất nhiều doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ SHTT hoặc ngại đăng ký. Thống kê cho thấy, hiện chỉ 18% DNNVV hiểu đúng về SHTT và chỉ có 6% DNNVV có bộ phận thực thi về SHTT. Thậm chí, rất nhiều DN chưa liệt kê được tài sản thuộc SHTT.
Đặc biệt, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam trong nước và nước ngoài về quyền SHTT, trong đó có quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn chưa cao. Trong khi đó, những kiến thức cơ bản về các yếu tố cấu thành SHTT, cách thức bảo hộ và quản lý có hiệu quả tài sản trí tuệ là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp liên quan đến thương mại quốc tế nói riêng, khi mà nhìn chung việc xuất khẩu đó giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao hơn. Không có những kiến thức này, doanh nghiệp sẽ không thể xây dựng và gắn SHTT vào chiến lược kinh doanh, tiếp thị và xuất khẩu của họ. Việc thiếu hụt sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước về SHTT là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các Hiệp định thương mại quốc tế mang lại.
Thanh Hà
|