Tổng cục SHTT Trung Quốc (CNIPA) là cơ quan SHTT của Trung Quốc, hiện trực thuộc Quốc vụ viện (từ tháng 3/2023), có trách nhiệm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đăng ký, bảo hộ, quản lý SHTT (sáng chế, nhãn hiệu, CDĐL, thiết kế bố trí). Đội ngũ nhân sự của CNIPA lên tới hơn 26.000 người làm việc trên toàn quốc.
Năm 2023, Trung Quốc đã cấp 921.000 bằng độc quyền sáng chế, 638.000 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 4.383.000 nhãn hiệu và 74.000 đơn PCT. Năm 2022, số lượng đơn sáng chế của Trung Quốc chiếm trung bình 44% tổng đơn sáng chế toàn cầu, số liệu tương ứng với đơn kiểu dáng công nghiệp, đơn nhãn hiệu và đơn PCT là 44%, 53% và 25%.
Về cơ bản, cũng như Việt Nam, CDĐL được bảo hộ ở Trung Quốc theo 2 hình thức là hệ thống riêng (sui generis system) và hệ thống nhãn hiệu (NHCN/NHTT). Đến tháng 5/2024, đã có 2.512 sản phẩm được bảo hộ CDĐL và 7.378 NHCN/NHTT chứa địa danh được bảo hộ, hơn 26.000 nhà sản xuất được cấp quyền sử dụng CDĐL. Các sản phẩm CDĐL thuộc 5 lĩnh vực chủ yếu mang đặc trưng truyền thống của Trung Quốc là: trà, gốm sứ, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản. Hiện nay, CNIPA trực tiếp thẩm định hồ sơ và cấp chứng nhận sản phẩm CDĐL và quản lý việc cấp quyền sử dụng biểu trưng CDĐL quốc gia. Cục Nhãn hiệu (thuộc CNIPA) thụ lý và xử lý hồ sơ đăng ký NHTT, NHCN chứa địa danh.
Pháp luật điều chỉnh việc bảo hộ tên địa danh của Trung Quốc là Luật Nhãn hiệu năm 2001 và các văn bản dưới Luật. Ngày 29/12/2023, CNIPA ban hành 02 văn bản mới là Quy định về Đăng ký và Quản lý NHTT và NHCN và Biện pháp bảo hộ các sản phẩm CDĐL (có hiệu lực từ ngày 01/02/2024) nhằm nâng cao hiệu quả công tác đăng ký xác lập quyền, bảo vệ quyền và quản lý, khai thác CDĐL, NHCN/NHTT có chứa địa danh.
CNIPA là cơ quan cấp phép và thu hồi quyền sử dụng biểu trưng CDĐL quốc gia. CNIPA phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra giám sát việc sản xuất sản phẩm CDĐL ở địa phương và sẽ cấp quyền sử dụng trên cơ sở đánh giá các điều kiện sử dụng theo Quy chế. Việc quản lý CDĐL có sự phối hợp chặt chẽ giữa CNIPA, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ quan quản lý ngành/lĩnh vực và các hiệp hội.
Trung Quốc định nghĩa nhãn hiệu đã đăng ký nghĩa là nhãn hiệu đã được phê duyệt và đăng ký bởi CNIPA gồm nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, NHTT, NHCN. Theo pháp luật Trung Quốc, NHTT, NHCN đều có thể chuyển nhượng cho tổ chức khác miễn là bên nhận chuyển nhượng cũng thỏa mãn các điều kiện về tư cách nộp đơn giống như người nộp đơn/người đăng ký ban đầu.
Pháp luật điều chỉnh việc bảo hộ NHTT, NHCN chứa địa danh của Trung Quốc là Luật Nhãn hiệu và các văn bản hướng dẫn Luật. Năm 2021 lần đầu tiên địa danh được đưa vào Luật Nhãn hiệu, theo đó địa danh có thể được đăng ký NHTT, NHCN có chứa địa danh. Địa danh của nước ngoài có thể được đăng ký NHTT, NHCN tại Trung Quốc và phải được cấp có thẩm quyền của nước xuất xứ cho phép.
Pháp luật Trung Quốc cũng quy định cụ thể hồ sơ đăng ký NHTT, NHCN chứa địa danh, nội dung Quy chế sử dụng và quản lý NHTT, NHCN. Khác với sản phẩm CDĐL, sản phẩm bảo hộ NHTT, NHCN chứa địa danh không bắt buộc có danh tiếng, danh mục sản phẩm rộng hơn (có thể bao gồm dịch vụ)....
Về quy chế sử dụng NHTT, CNIPA yêu cầu quy chế phải có các nội dung sau: (1) mục đích sử dụng NHTT; (2) chất lượng hàng hóa mang CDĐL mà được đăng ký dưới dạng NHTT; (3) quy trình sử dụng NHTT; (4) quyền và nghĩa vụ gắn liền với việc sử dụng NHTT; (5) trách nhiệm của thành viên vi phạm quy chế; (6) hệ thống kiểm tra, giám sát của người nộp đơn/người đăng ký đối với hàng hóa mang NHTT.
Về quy chế sử dụng NHCN, CNIPA yêu cầu quy chế phải có các nội dung sau: (1) mục đích sử dụng NHCN; (2) chất lượng hàng hóa đặc thù mang CDĐL mà được đăng ký dưới dạng NHCN; (3) điều kiện sử dụng NHCN; (4) thủ tục sử dụng NHCN; (5) quyền và nghĩa vụ gắn liền với việc sử dụng NHCN; (6) trách nhiệm của người sử dụng nếu vi phạm quy chế; (7) hệ thống kiểm tra, giám sát của người nộp đơn/người đăng ký đối với hàng hóa mang NHCN.
Tên địa danh của nước ngoài bị đăng ký ở Trung Quốc có thể bị hủy bỏ hiệu lực nếu chứng minh địa danh đó được nhiều người biết đến ở Trung Quốc (không đáp ứng điều kiện bảo hộ nhãn hiệu) hoặc được đăng ký với dụng ý xấu. Pháp luật Trung Quốc quy định tên quốc gia Trung Quốc không được bảo hộ làm nhãn hiệu. Tuy nhiên, tên quốc gia nước ngoài có thể được bảo hộ nhãn hiệu nếu được cấp có thẩm quyền của nước xuất xứ cho phép.
Khác với tiêu chuẩn chất lượng của NHTT, CNIPA tuyên bố rằng việc tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia không đủ thỏa mãn điều kiện sử dụng NHCN. Nghĩa là chất lượng hàng hóa mang NHCN phải cao hơn tiêu chuẩn quốc gia. Người nộp đơn phải mô tả chi tiết nguyên liệu, phương pháp sản xuất, chất lượng hoặc tiêu chuẩn chất lượng đặc thù một cách cụ thể để người sử dụng NHCN và người tiêu dùng biết thông qua quy chế sử dụng NHCN mà hàng hóa, dịch vụ có sử dụng NHCN khác biệt với hàng hóa, dịch vụ tương tự bằng sự vượt trội về tiêu chuẩn bắt buộc đó.
Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách và triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý và sử dụng CDĐL như: lựa chọn một số CDĐL làm hình mẫu về sử dụng hiệu quả CDĐL; triển khai các dự án sử dụng CDĐL nhằm mục tiêu kết hợp CDĐL với các ngành công nghiệp khác, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập của người dân; bảo đảm chất lượng sản phẩm CDĐL thông qua xây dựng các tiêu chuẩn thống nhất về sản xuất, chế biến, quảng bá sản phẩm, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý việc sản xuất và sản phẩm CDĐL; phát triển thương hiệu cho sản phẩm CDĐL thông qua trưng bày, triển lãm, thiết lập các kênh tiếp thị, quảng bá mới, sàn giao dịch trực tuyến; hỗ trợ khai thác sáng chế để giải quyết các vấn đề kỹ thuật liên quan đến phát triển sản phẩm mang CDĐL ở địa phương; hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp liên quan đến sản phẩm mang CDĐL, đặc biệt thí điểm ở một số địa phương hình thức cho vay vốn ngân hàng để phát triển mở rộng sản xuất sản phẩm mang CDĐL; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ kết hợp với CDĐL như du lịch, công nghiệp văn hóa và sáng tạo… Trong các hoạt động bảo hộ, khai thác, phát triển sản phẩm CDĐL, CNIPA luôn yêu cầu các cơ quan hữu quan của địa phương phát huy vai trò quản lý của mình, coi đây là các cơ quan đóng vai trò quan trọng trực tiếp tác động tới hiệu quả sử dụng CDĐL.
Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hộ CDĐL, ngày càng thắt chặt và quản lý nghiêm việc bảo hộ và thực thi quyền đối với CDĐL thông qua hàng loạt biện pháp như: sửa đổi quy định pháp luật để chuẩn hóa việc sử dụng tên và các dấu hiệu đặc biệt cho sản phẩm CDĐL của nước ngoài ở Trung Quốc; thẩm định chặt chẽ hồ sơ xin xác nhận sản phẩm CDĐL với các yêu cầu và tiêu chuẩn cao; tăng cường phối hợp với các cơ quan như Tổng cục quản lý thị trường, đưa nội dung về CDĐL vào các hoạt động thực thi pháp luật; tăng cường quản lý giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm CDĐL; đẩy mạnh quảng bá CDĐL của Trung Quốc ra thế giới …
Thanh Hà
|