Thực trạng xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL của Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, sản phẩm cần có dấu hiệu nhận diện, được chứng nhận về chất lượng, về NGXX, về quy tắc sản xuất và các tiêu chuẩn khác. CDĐL là 1 trong những giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, công cụ tiếp cận thị trường(nhận biết, phân biệt, trải nghiệm, tiêu dùng và tin dùng), cơ sở pháp lý giải quyết các tranh chấp thương mại... Xây dựng CDĐL cho những sản phẩm đặc sản nằm trong Chiến lược phát triển NN-NT bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiều chính sách khác: Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược SHTT đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030.
Việt Nam xây dựng hệ thống đăng ký bảo hộ CDĐL từ năm 1995, Luật hóa lần đầu vào năm 2005; sửa đổi và bổ sung vào các năm 2009 và đang tiếp tục. Theo đó, CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc địa lý cụ thể mà danh tiếng hoặc những đặc tính chất lượng đặc thù được quyết định bởi các điều kiện địa lý của khu vực sản xuất.
Năm 2001, nước mắm Phú Quốc và chè Shan tuyết Mộc Châu là 2 sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ CDĐL. Đến nay, chúng ta đã có 106 sản phẩm mang CDĐL được sản xuất trong nước và đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Một số CDĐL đã có những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế (chả mực Hạ Long, cam Cao Phong, nước mắm Phú Quốc, mật ong bạc hà Mèo Vạc…).
Tuy nhiên, nhiều CDĐL chưa phát huy được hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Quá trình phát triển CDĐL gặp phải các vấn đề như: Xây dựng và phát triển CDĐL bị tách rời không mang tính tổng thể dẫn tới cơ sở khoa học, pháp lý bảo hộ kém thuyết phục; chưa có chiến lược phát triển các CDĐL; không có Hội đồng CDĐL quốc gia và một tổ chức chuyên nghiệp về xác lập quyền, quản lý và phát triển CDĐL giống như mô hình INAO của Pháp .
Với cách tiếp cận từ trên xuống, Nhà nước hiện đang làm thay các tổ chức Hiệp hội ngành hàng trong xác lập quyền, quản lý và phát triển CDĐL. CDĐL được luật hóa nhưng chưa hoàn thiện (Luật năm 2005, Luật sửa đổi năm 2009, Luật năm 2019...) ảnh hưởng tới tính khả thi và hiệu lực: Tên gọi CDĐL không gắn với tên sản phẩm gây bất cập trong thương mại hóa (Ví dụ CDĐL “Bến Tre”, “Bắc Kạn”...); Nhiều sản phẩm gắn với khu vực địa lý xứng đáng được bảo hộ CDĐL nhưng đã đăng ký dưới loại hình nhãn hiệu không nâng cấp trở thành CDĐL, gây thiệt hại cho cộng đồng khu vực sản xuất (“Nước mắm Cát Hải”, “Rượu làng Vân”...); Nhiều khu vực địa lý tương ứng với CDĐL được xác định không đúng với Luật định, thiếu cơ sở khoa học làm mất cơ hội và quyền lợi của những vùng sản xuất có sản phẩm đạt chuẩn CDĐL.
Bảo hộ CDĐL quốc tế còn hạn chế do vấn đề pháp lý và kinh phí: Mới có 39 CDĐL được bảo hộ tại EU theo Hiệp định thương mại Việt Nam-EU; mới đây nhất là vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản... Nguồn lực được ưu tiên cho định danh pháp lý (đăng ký bảo hộ CDĐL) nhưng hạn chế cho định vị thương hiệu (bảo vệ và quảng bá hình ảnh sản phẩm). Danh tiếng, chất lượng đặc thù là giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm mang CDĐL chỉ duy trì được khi có hoạt động kiểm soát và chứng nhận hiện đang bị bỏ trống.
Nhận thức tiêu dùng về CDĐL và giá trị cốt lõi của sản phẩm mang CDĐL rất hạn chế nhưng truyền thông ít được đầu tư. Người tiêu dùng trong nước không có tham chiếu để nhận biết sự khác biệt giữa sản phẩm thông thường và sản phẩm mang CDĐL (đặc tính, dấu hiệu nhận diện, quá trình kiểm soát/chứng nhận sản phẩm). Tại thị trường xuất khẩu, nhiều sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam chỉ sử dụng thương hiệu riêng của doanh nghiệp hoặc nhà nhập khẩu, không thể hiện các dấu hiệu CDĐL...
Tính cấp thiết để xây dựng và thực hiện nhiệm vụ
Để phát triển CDĐL, cần có tiếp cận đồng bộ đa ngành, phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất – kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và trung ương, các bộ/ngành có liên quan trong việc định danh pháp lý và định vị thị trường.
Ngày 19/11/2021, Bộ trưởng Bộ KH-CN đã ban hành Quyết định số 2980/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt Biểu trưng CDĐL Quốc gia và giao Cục SHTT nghiên cứu, đề xuất phương án đăng ký bảo hộ và quản lý Biểu trưng quốc gia ở trong và ngoài nước. Đồng thời, trong khuôn khổ Chương trình phát triển TSTT, tại điểm c khoản 2 và điểm c khoản 3 phần II Điều 1 Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, triển khai các quy định về quản lý và sử dụng biểu trưng CDĐL quốc gia.
Biểu trưng CDĐL quốc gia của Việt Nam đã được thiết kế và phê duyệt nhưng chưa đủ cơ sở khoa học và pháp lý đưa vào sử dụng trong thương mại và quản lý do các vấn đề sau: (1) Thiếu các nghiên cứu sâu và toàn diện về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và sử dụng Biểu trưng CDĐL quốc gia; (2) Chưa đánh giá được một cách tổng thể thực trạng quản lý và sử dụng các CDĐL ở cấp địa phương và quốc gia; (3) Chưa nghiên cứu nhu cầu sử dụng Biểu trưng CDĐL quốc gia trong hoạt động thương mại đối với các sản phẩm được bảo hộ CDĐL. Biểu trưng này là TSTT quốc gia, cần được đăng ký bảo hộ dưới dạng NHCN làm cơ sở pháp lý (trước mắt tại Việt Nam và tiến tới đăng ký bảo hộ quốc tế) để sử dụng trong thương mại. Chủ sở hữu và kiểm soát Biểu trưng này nên là 1 cơ quan nhà nước về SHTT (Bộ KH-CN hoặc Cục SHTT). Đối tượng sử dụng Biểu trưng là những chủ thể sản xuất và/hoặc kinh doanh sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL trên nguyên tắc tự nguyện và tuân thủ các quy định của Quy chế quản lý và sử dụng Biểu trưng. Quy chế quản lý và sử dụng Biểu trưng được xây dựng trên cơ sở kiểm định và chứng nhận chất lượng sản phẩm do 1 Tổ chức được Cơ quan quản lý Biểu trưng chỉ định, tích hợp với các điều kiện bảo hộ của các CDĐL đã có (tiêu chuẩn đăng ký, khu vực địa lý, kỹ thuật sản xuất).
Để phục vụ cho Chiến lược phát triển NN-NT bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành mục tiêu của Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, nâng cao vị thế và giá trị cho các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam..., việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và sử dụng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia” là trong khuôn khổ Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 là cần thiết.
Đó là phải xây dựng được quy chế quản lý sử dụng biểu trưng CDĐL quốc gia; đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với biểu trưng CDĐL quốc gia tại Việt Nam; xác định được tổ chức đủ năng lực kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm; cấp quyền sử dụng biểu trưng CDĐL quốc gia cho một số chủ thể; đồng thời truyền thông tăng cường khả năng nhận biết biểu trưng CDĐL quốc gia tại thị trường trong nước.
|