Theo thống kế các kết quả nghiên cứu về sự phát triển CDĐL cho thấy, thế giới có khoảng hơn 10.000 CDĐL được bảo hộ, với giá trị thương mại ước tính hơn 50 tỷ USD. Nhiều quốc gia nhận thức ngày càng rõ rằng CDĐL chính là một cơ hội, chúng có những thuộc tính thể chất đặc thù và văn hóa độc đáo mà có thể chuyển thành sản phẩm khác biệt. Những tài sản vật chất và văn hóa hình thành nên giá trị cơ bản cho các đặc trưng của CDĐL.
CDĐL có nguồn gốc từ Pháp, được quốc tế hóa thông qua Công ước Paris (năm 1883, sửa đổi năm 1925), Hiệp định Madrid (năm 1891), Hiệp định Lisbon (năm 1958), Hiệp định TRIPS (năm 1994). CDĐL ban đầu chỉ áp dụng cho 2 nhóm sản phẩm (rượu vang và rượu mạnh), ngày nay đã mở rộng cho các sản phẩm lương thực - thực phẩm và hàng thủ công. Theo Hiệp hội oriGIn, thế giới có 8.127 CDĐL vào năm 2018, trong đó 3.836 CDĐL của châu Âu và 3.084 CDĐL của châu Á .
EU năm 2017 có 3.138 CDĐL đạt giá trị thương mại 74,76 tỷ € (trên 20% giá trị xuất khẩu ngoại khối). Con số này của năm 2019/2020 là 3.286 CDĐL (Pháp 734 CDĐL chiếm 25% và nhiều nhất là Ý), trong đó rượu chiếm 49% và nông sản chiếm 44% cơ cấu. Giá bán của một sản phẩm mang CDĐL trung bình gấp đôi so với các sản phẩm thông thường.
Những năm gần đây, một số quốc gia châu Á đã đẩy mạnh phát triển CDĐL: Nhật Bản, Thái Lan, Indonexia, Trung Quốc, Ấn Độ... xuất phát từ các lợi ích sau: 1) Xu hướng tiêu dùng đặc sản, minh bạch về NGXX, ATTP; 2) Bảo vệ và phát triển sản xuất bằng sản phẩm chất lượng đặc thù để nâng cao năng lực cạnh tranh và chống gian lận thương mại; 3) Phát triển NN-NT bền vững dựa trên sản phẩm đặc thù để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển du lịch nông thôn; 4) Bảo tồn đa dạng sinh học và các kiến thức bản địa dựa trên nguyên lý phát triển - bảo tồn - phát triển.
CDĐL là một chỉ dẫn thương mại đặc biệt, giúp công chúng nhận biết về NGXX và chất lượng đặc thù của sản phẩm so với các sản phẩm thông thường. CDĐL đã trở thành một “dấu hiệu nhận diện chung” đối với người tiêu dùng ở thị trường thế giới, đặc biệt tại Châu Âu. Nó trở thành một loại thương hiệu uy tín, mang lại sự tin cậy về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm.
Một số quốc gia đã xây dựng Biểu trưng CDĐL quốc gia để tăng cường khả năng nhận diện, quảng bá hỗ trợ thương mại hóa, quản lý và kiểm soát sản phẩm CDĐL. Các sản phẩm gắn Biểu trưng này khi giao thương được pháp luật và người tiêu dùng coi như là một minh chứng đã đáp ứng được các tiêu chuẩn đăng ký, được kiểm định và chứng nhận bởi một tổ chức có thẩm quyền. Việc sử dụng Biểu trưng giúp sản phẩm dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng và thị trường (nhận diện và phân biệt so với các sản phẩm cùng loại), đồng thời là cơ sở để các cơ quan nhà nước kiểm tra và giám sát nhằm duy trì uy tín/danh tiếng của sản phẩm.
EU có lịch sử phát triển lâu đời và thành công nhất về CDĐL, đã bảo hộ Biểu trưng CDĐL của khối dưới dạng NHCN. Việc sử dụng và quản lý Biểu trưng này được quy định trong Quy chế EC số 1151/2012. Tuy nhiên, chỉ có 14% người dân của EU nhận biết được các logo AOP/IGP. Vì vậy, truyền thông về CDĐL và Biểu trưng CDĐL liên tục được triển khai trong khối cũng như tại các quốc gia thành viên.
Pháp tổ chức riêng một cơ quan của Chính phủ về quản lý và phát triển CDĐL do INAO đảm trách (thẩm định đăng ký bảo hộ, kiểm soát và phát triển). Bên cạnh Logo riêng của từng CDĐL, Pháp có Biểu trưng CDĐL quốc gia (Logo cho nhóm sản phẩm nông nghiệp và logo cho nhóm sản phẩm phi nông nghiệp). INAO có một bộ phận chuyên trách về truyền thông CDĐL (giới thiệu logo và các dấu hiệu chất lượng; danh sách các sản phẩm AOP/IGP kèm theo bản mô tả; các tài liệu hướng dẫn và cẩm nang; các văn bản pháp lý; phát triển công cụ truyền thông; xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông...) nhằm tăng cường và củng cố sự nhận diện của công chúng đối với các dấu hiệu của CDĐL (sự hiểu biết của người tiêu dùng về logo, xây dựng thông điệp, giáo dục về dấu hiệu CDĐL...)
Cũng giống như Pháp, Thụy Sỹ có Biểu trưng AOP/IGP quốc gia chung bên cạnh logo của từng AOP/IGP. Thụy Sỹ quy định các CDĐL nông nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ nông nghiệp, các CDĐL phi nông nghiệp thuộc quyền quản lý của Viện SHTT liên bang. Nhiệm vụ của các Hiệp hội ngành hàng Thụy Sỹ là tổ chức nghiên cứu thị trường định kỳ và không định kỳ (hành vi tiêu dùng, tỷ lệ nhận biết được sản phẩm và logo CDĐL, đánh giá hiệu quả của các biện pháp quảng bá...) để xây dựng chiến lược truyền thông cho các sản phẩm CDĐL.
Nhiều quốc gia ở châu Á cũng đã xây dựng Biểu trưng CDĐL quốc gia nhằm tạo dựng một hình ảnh chung, dấu hiệu nhận diện và tăng cường khả năng nhận biết, kiểm soát sản phẩm mang CDĐL trên thị trường, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Campuchia…
Biểu trưng CDĐL quốc gia của Trung Quốc do Cục SHTT Trung Quốc xây dựng và công bố. Chủ sở hữu và người sử dụng CDĐL có thể sử dụng Biểu trưng này trên sản phẩm, bao bì, đồ chứa sản phẩm, có thể dùng trong hoạt động quảng cáo, tuyên truyền, triển lãm và các hoạt động thương mại khác. Biểu trưng trở thành một công cụ quản lý và kiểm soát CDĐL của cơ quan này.
Tại Thái Lan, Biểu trưng CDĐL quốc gia là một dấu hiệu được quy định sử dụng chung cho tất cả các CDĐL được Nhà nước bảo hộ và được quản lý bởi Cơ quan SHTT quốc gia. Các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm mang CDĐL do cơ quan này thực hiện: tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về CDĐL, giúp các nhà sản xuất phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường...
Hàn Quốc và Campuchia cũng đã xây dựng và ban hành Biểu trưng CDĐL quốc gia nhằm mục đích nâng cao hiệu quả về thương mại đối với sản phẩm được bảo hộ CDĐL, đồng thời cũng là công cụ trong quản lý và kiểm soát CDĐL của nhà nước.
Trên thế gới, CDĐL đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản địa phương. Một số quốc gia trên thế giới như Thái Lan đã xây dựng và khai thác thành công thương hiệu quốc gia THAI’S RICE cho các sản phẩm gạo; Colombia đã xây dựng thành công thương hiệu cà phê Colombia cho các sản phẩm cà phê đặc sản của nước này…
Công Thường